Gỗ công nghiệp ngày càng được ưa chuộng sử dụng trong quá trình thiết kế và thi công nội thất các công trình, đặc biệt tại các không gian ưu tiên tối ưu về chi phí và mức độ linh hoạt.
Chắc chắn bạn đã từng nghe đến cụm từ ‘gỗ công nghiệp’ nhưng để ra quyết định xem nên dùng loại gỗ công nghiệp nào? Không gian sảnh nên dùng gỗ bề mặt gì? Làm thế nào để tối ưu được chi phí? và nhiều câu hỏi khác được đặt ra những vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng.
Trong bài viết này, D+ Studio sẽ chia sẻ với bạn những kiến thức cơ bản về các loại gỗ công nghiệp phổ biến.
Gỗ công nghiệp là gì
Cái tên đã chia sẻ rất rõ về tính chất của dòng gỗ này – ‘Gỗ công nghiệp’. Đây là một loại gỗ được sản xuất hàng loạt theo xưởng và dây chuyền sản xuất công nghiệp dựa trên các phần thừa, tái sinh của cây gỗ tự nhiên.
Với tính chất sản xuất hàng loạt cùng với nguyên vật liệu chính không phải từ phần thịt của gỗ tự nhiên, nên giá thành của gỗ công nghiệp thường rẻ hơn nhiều so với gỗ tự nhiên. Một ví dụ gần nhất với gỗ công nghiệp – gỗ tự nhiên đó là: trứng gà công nghiệp – trứng gà ta. Trứng gà công nghiệp được nuôi trồng, sản xuất hàng loạt, thậm chí bị ép theo sản lượng, chất lượng. Trứng gà ta được nuôi trồng tự nhiên theo các quy luật cơ bản.
Kết cấu cơ bản của các loại gỗ công nghiệp gồm có hai phần: cốt gỗ và bề mặt gỗ.
Trong bài này, chúng tôi sẽ chia sẻ đến bạn các loại cốt gỗ và cách phân biệt chúng với nhau, để bạn hiểu rõ hơn về những sản phẩm bạn – công ty bạn – gia đình bạn sẽ sử dụng trong không gian làm việc, sinh hoạt của mình.
Các loại gỗ công nghiệp phổ biến
#1 Gỗ công nghiệp cốt MFC
MFC là viết tắt của cụm từ Melamine Faced Chipboard, loại gỗ ván dăm với lớp phủ melamine trên bề mặt.
- Nguồn gốc: từ các cành cây, nhánh cây hoặc thân của các cây gỗ rừng như cây keo, bạch đàn, cao su
- Cấu tạo: dăm gỗ băm vụn được trộn với các lớp keo và được ép chặt lại tạo độ dày cho tấm gỗ
- Đặc điểm:
- Vì cấu tạo từ dăm gỗ nên cốt gỗ nhìn không mịn, dễ dàng nhìn được hoặc sờ được các dăm gỗ.
- Nhẹ, khá cứng với khả năng chịu lực tốt, độ bền cơ lý cao
Đây là loại gỗ dễ gia công, có thể tái sản xuất và không gây hại tới những cánh rừng nguyên sinh của mẹ thiên nhiên. Với nguồn nguyên liệu sẵn có, cách gia công đơn giản và dễ sản xuất hàng loạt, gỗ MFC là loại có giá thành thấp và tối ưu trong số các loại gỗ công nghiệp. Đồng nghĩa với việc đó độ bền của MFC cũng sẽ hạn chế, đặc biệt vì là gỗ dán ép kết hợp giữa gỗ dăm và keo nên khả năng chống ẩm gần như không có, gặp ẩm dễ bị phồng. Mặc dù có dòng gỗ MFC chống ẩm (cốt có lẫn dăm gỗ chống ẩm xanh và dăm gỗ thường), nhưng với kỹ thuật ép không chặt và tính chất dăm vụn gỗ ở mật độ thấp, khả năng chịu nước của cốt gỗ công nghiệp MFC chống ẩm không cao.
Nếu ưu tiên của bạn là về chi phí, MFC là sự lựa chọn hoàn hảo cho những nội thất ở khu vực ‘khô’ như bàn làm việc, tủ đựng tài liệu, các hộc tủ di động, các vách ngăn bàn làm việc. Tuyệt đối không dùng MFC cho những nội thất cần chống ẩm như thiết kế khu vực pantry tại văn phòng, khu vực bếp tại nhà riêng.
#2 Gỗ công nghiệp cốt MDF
MDF viết tắt của cụm từ Medium density fiberboard, loại ván gỗ công nghiệp có sợi ở mật độ trung bình. Nếu MFC là loại ván với dăm gỗ, MDF là loại được cấu thành với sợi gỗ.
- Nguồn gốc: các loại vụn gỗ, cành hoặc nhánh cây
- Cấu tạo: nghiền mịn tạo bột sợi gỗ, kết hợp cùng chất kết dính, parafin wax và chất bảo vệ gỗ (chất chống mối mọt, chống mốc), bột vô cơ, keo trộn tạo kết dính
- Đặc điểm:
-
- Vì được nghiền mịn với mật độ sợi gỗ ở mức trung bình, không quá cao hoặc thấp, cốt gỗ MDF mịn hơn MFC, không dễ nứt, không co ngót và ít bị mối mọt.
- Dễ gia công, dễ tạo dáng (cong) và sơn với đa dạng màu sắc
- Mật độ sợi gỗ chỉ ở tầm trung, nên MDF tương đối mềm, chịu lực yếu hơn so với MFC
Tại các không gian làm việc, MDF được tối ưu để sử dụng cho khu vực pantry, khu vực ăn trưa hoặc thư giãn tại các văn phòng, nơi có độ ẩm cao và tiếp xúc trực tiếp với nước. Đây là loại cốt gỗ công nghiệp với chất lượng và mức giá tầm trung, cùng với khả năng linh hoạt tạo kiểu dáng màu sắc, MDF là sự lựa chọn để thể hiện nhận diện thương hiệu và đáp ứng công năng tại các không gian làm việc, văn phòng, phòng họp tại các công ty.
Nếu công ty, gia đình của bạn có muốn một không gian nội thất gỗ với mức chi phí không quá cao, và chất lượng ổn thì MDF sẽ là một sự lựa chọn phù hợp.
#3 Gỗ công nghiệp cốt HDF
HDF – High density fiberboard, ván gỗ công nghiệp có mật độ sợi cao. Tương tự như MDF nhưng mật độ sợi ở HDF dày hơn, tương ứng với việc chất lượng của HDF sẽ cao hơn.
- Nguồn gốc: gỗ tự nhiên loại thường
- Cấu tạo: Bột gỗ được lấy từ gỗ tự nhiên sau đó luộc-sấy khô trong nhiệt độ cao (1000 – 2000 độ C). Bột gỗ sau đó sẽ được xử lý với các phụ gia làm tăng độ cứng, chống mối mọt, và ép dưới áp suất cao (850 – 870kg/cm2)
- Đặc điểm:
-
- Cốt gỗ HDF không nứt, không co ngót, rất cứng và có khả năng chịu lực tốt vì mật độ sợi cao và được ép rất chặt. Tính ổn định cao
- Độ bền tốt, chống sước và ẩm tốt hơn cốt gỗ MDF
- Giá tốt hơn so với gỗ tự nhiên
Gỗ HDF là loại cốt gỗ công nghiệp đứng đầu trên thị trường hiện nay so với MFC và MDF, với chất lượng cao và độ bền gần tương đương gỗ tự nhiên. Với khả năng chống ẩm, và cách âm khá tốt, cốt gỗ HDF phù hợp với hầu hết các nhu cầu thiết kế nội thất tại các khu vực như: pantry, bếp, phòng họp,… Tuy nhiên, so với MFC và MDF, giá của HDP cao hơn rõ rệt, điều này không tối ưu về mặt chi phí cho các doanh nghiệp cũng như nhu cầu sử dụng tại gia đình.
Chúng tôi gợi ý rằng HDF nên được ưu tiên sử dụng với phần thô của các đồ nội thất cao cấp với tổng mức đầu tư ‘xông xênh’, VD: sảnh hoặc showroom cao cấp của các nhãn hàng, nội thất tại các trung tâm thương mại, nội thất tại phòng của giám đốc hoặc của chủ tịch công ty.
#4 Cốt gỗ công nghiệp Plywood
Cốt gỗ Plywood hay còn gọi là cốt gỗ dán-ép. Đây là loại cốt gỗ được ghép bởi nhiều tấm gỗ mỏng (~1mm), ép chồng vuông góc với nhau bằng keo chuyên dụng. Sự ra đời của cốt gỗ Plywood là bước đột phá làm thay đổi ngành nội thất trên thế giới. Plywood là loại gỗ công nghiệp duy nhất có thể ngâm trong môi trường nước mà không cần thêm bất kỳ chất phụ gia như các loại gỗ lõi xanh chống ẩm MDF, MFC.
- Nguồn gốc: bột gỗ tự nhiên loại thường
- Cấu tạo: các lớp gỗ mỏng đến siêu mỏng được ép và dán bằng keo trái chiều với nhau nhằm tăng tính chịu lực
- Đặc điểm:
- Không nứt, không co ngót, ít bị mối mọt
- Chịu lực cao
- Có khả năng chịu nước
- Bề mặt thường xấu và cần có lớp dán bề mặt
#5 Ván gỗ nhựa (Wood Plastic Composite)
Nếu bạn thích nhựa vì tính bền và rẻ, nhưng vẫn thích tính cổ điển cùng với sự ‘sang trọng’ khi dùng gỗ, đây chính là loại cốt thỏa mãn được sở thích của bạn. Ván gỗ nhựa ra đợi dựa trên nhu cầu của người dùng, sự đắn đo giữa tủ nhựa và tủ gỗ, giữa bàn nhựa và bàn gỗ, etc.
- Nguồn gốc: bột gỗ đã được chế biến và bột nhựa như HDPE, PVC, PP, ABS,…
- Cấu tạo: bột gỗ và bột nhựa được trộn đồng nhất với nhau, và sau khi qua dây chuyền hợp nhất sẽ tạo thành hạt Compund, rồi được ép thành các hình dạng tùy theo yêu cầu
- Đặc điểm:
-
- Vẫn giữ được bề mặt là gỗ tự nhiên với độ bền cao của nhựa
- Mức độ cong vênh thấp, gần như không co dãn và có tỷ trọng cũng như độ cứng cao
- Không mối mọt ăn mòn, không mục nát, không gãy vụn hay bị dăm gỗ, và đặc biệt không thấm nước
Với tất cả những đặc điểm trên, cùng với tính linh hoạt trong việc sản xuất, thi công và xử lý bề mặt, gỗ nhựa đã và đang dần khẳng định vị trí ‘vật liệu hoàn hảo thay thế gỗ tự nhiên’.
Tuy nhiên, đây chưa phải là sự lựa chọn phổ biến của hầu hết các công ty hoặc gia đình, vì so với cốt gỗ công nghiệp, ván gỗ nhữa có giá thành cao hơn rõ rệt. Điều này tạo ra một điểm đắn đo cho khách hàng khi chỉ cần chi thêm một chút đã có thể sử dụng gỗ tự nhiên làm đồ nội thất trong phòng và còn hạn chế được lượng nhựa sử dụng trong không gian.
TỔNG KẾT
Xây dựng một không gian làm việc, sinh hoạt và sống lâu dài, chúng tôi khuyên bạn hãy dành một chút thời gian nghiên cứu, tìm hiểu để biết mình sẽ làm việc trên chiếc bàn như nào, bước chân trên những tấm gỗ ra sao hoặc đơn giản nhất là những đồ vật đó sẽ đồng hành cùng bạn được bao lâu?
Một văn phòng hay một căn nhà không nhất định phải dùng đồng nhất một loại cốt gỗ, tùy vào công năng và mục đích sử dụng ta sẽ vận dụng một cách sao cho hợp lí.